Thoái vị và qua đời Võ_Tắc_Thiên

Chính biến Thần Long

Năm Trường An thứ 4 (704), tháng 12 (ÂL), Võ Hoàng lâm bệnh ở Trường Sinh viện (長生院). Các đại thần đều không được gặp mặt, chỉ có anh em họ Trương được vào hầu mà thôi. Nhiều đại thần e ngại bọn họ Trương sẽ tìm cách chiếm ngôi, nên lũ lượt dâng sớ tố cáo chúng về tội phản quốc. Sau khi bệnh tình của bà có thuyên giảm, Tể tướng Thôi Huyền Vĩ đề nghị chỉ nên cho Thái tử Võ Hiển và Tương vương Võ Đán được vào hầu mà thôi, nhưng bà không theo. Về sau còn có Hoàn Ngạn PhạmTống Cảnh dâng sớ cáo buộc, bà cho Tống Cảnh điều tra việc đó, nhưng không được bao lâu lại hạ lệnh xá miễn cho bọn họ Trương[85]. Sang mùa xuân năm sau (705), cải niên hiệu là Thần Long (神龍).

Sau khi cải nguyên không lâu, Võ Hoàng lại lâm bệnh, thường xuyên ở Nghênh Tiên cung (迎仙宮) và không hỏi đến chính sự. Anh em Dịch Chi và Xương Tông tiếp tục trông giữ mọi việc, lúc này cả hai lần lượt được ghi đảm nhiệm Lân đài giám (麟台監) cùng Xuân Quan Thị lang (春官侍郎). Các đại thần là Phụng Các Thị lang Trương Giản Chi, Loan Đài Thị lang Thôi Huyền Vĩ, Trung Đài Hữu thừa Kính Huy, Tư Hình Thiếu khanh Hoàn Ngạn Phạm, Tương vương phủ Tư mã Viên Thứ Kỷ, Hữu Vũ Lâm vệ Tướng quân Lý Đa Tộ và Tả Tán kỵ Thị lang Lý Trạm muốn diệt trừ hai tên gian thần này, khôi phục lại nhà Đường. Đấy gọi là Thần Long cách mệnh (神龍革命) hay Chính biến Thần Long.

Để dễ bề hành động, Giản Chi tiến Hoàn Ngạn Phạm và Kính Huy đều là Tả/ Hữu Tướng quân của Vũ Lâm vệ, nắm lấy binh quyền. Dịch Chi sinh nghi, để cho đồng đảng là Võ Du Nghi làm Hữu Vũ Lâm Đại tướng quân. Việc vẫn không dừng lại, Giản Chi và Kính Huy bèn đến Đông Cung, nơi Thái tử Võ Hiển cư trú để bàn định kế sách, đều thông qua. Ngày Quý Mão, tức ngày 22 tháng 1 (nhằm ngày 20 tháng 2 dương lịch), Trương Giản Chi, Hoàng Ngạn Phạm cùng Tả Uy vệ Tướng quân Tiết Tư Hành, cùng tất cả quan lại ủng hộ (hơn 10 người) dẫn hơn 500 quân Thiết kỵ tiến vào Huyền Vũ môn, sai Lý Đa Tộ và Phò mã Đô úy Vương Đồng Hiệu đến Đông Cung nghênh đón Hoàng thái tử Võ Hiển vào cung. Thái tử nghi ngờ, do dự, bọn họ nói: ["Thần phụng mệnh Tiên Đế phò tá điện hạ, không may sự bị phế, chúng thần đều đau buồn, ròng rã 23 năm trời! Nay thời cơ đến, Bắc môn, Nam nha, tất đều đồng tâm hiệp lực, khôi phục cơ đồ xã tắc họ Lý. Mong điện hạ tạm di giá Huyền Vũ môn, đừng làm chúng thần thất vọng!"], thế rồi Võ Hiển lên ngựa đến Huyền Vũ môn, trảm quan gác cổng để vào cung.

Trong khi ấy, bọn người Trương Giản Chi tiến vào trong cung, giết chết anh em Dịch Chi và Xương Tông rồi kéo nhau vào Trường Sinh điện (長生殿), nơi ở của Võ Hoàng. Khi bên ngoài ồn ào, Võ Hoàng thất kinh, hỏi rằng: ["Bọn loạn giả là ai?!"], Giản Chi nói: ["Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông mưu phản, chúng thần phụng mệnh Thái tử mà giết chết. Sự việc nguy cấp, nên làm có chút hồ đồ. Xưng binh cung cấm, tội đương vạn tử!"]. Võ Hoàng thấy Võ Hiển thì biết rõ cơ sự, bảo: ["Tiểu tử đã giết được rồi, mau về Đông Cung đi"]. Ngạn Phạm không đồng ý, tiến lên nói rằng: ["Thái tử an đắc canh quy! Cố nhớ Thiên Hoàng năm xưa để cho con trai ký thác bệ hạ. Nay ngài đã lớn tuổi, vẫn mãi ở Đông Cung, trong khi thiên hạ nhân tâm đều thương nhớ họ Lý. Chúng quần thần không quên ân đức của Thái Tông và Thiên Hoàng, nên cố trừ đi bọn loạn thần. Nay xin bệ hạ truyền ngôi cho Thái tử, ấy là thuận theo ước vọng của thiên hạ!"]. Võ Hoàng trầm ngâm hồi lâu, nhìn thấy Lý Trạm, vốn là con trai Lý Nghĩa Phủ, bà bèn nói: ["Ngươi cũng tham gia chuyện này, giết đi Dịch Chi tướng quân của ta?! Ta đối với cha con ngươi không bạc, hà cớ lại phản ta?!"], Trạm sợ hãi không dám đáp, bà bèn nói với Giản Chi: ["Bọn chúng ai cũng đều là kẻ khác tiến cử, duy có khanh là do ta cất nhắc! Thế mà khanh cũng hùa theo sao?!"]. Giản Chi xúc động nói: ["Thần làm thế là để bảo vệ đại ân đại đức của bệ hạ"]. Sau đó, trảm hết tất cả những thân thuộc họ Trương[86].

Tôn xưng Tắc Thiên Hoàng đế

Ngày hôm sau, Giáp Thìn (ÂL), Võ Hoàng mệnh Thái tử giám quốc, đại xá thiên hạ. Tất cả các đại thần đều trọng thưởng, trong đó có 5 người đi đầu: Trương Giản Chi, Thôi Huyền Vĩ, Kính Huy, Hoàn Ngạn Phạm và Viên Thứ Kỷ về sau đều phong làm Quận vương. Sang ngày Ất Tị (ÂL), Võ Hoàng chính thức thiện nhượng, thế là Thái tử Võ Hiển lên ngôi lần thứ hai, Đường Trung Tông, đổi quốc tính từ họ Võ lại thành họ Lý như cũ[81]. Ngày 4 tháng 2 (tức ngày 3 tháng 3 dương lịch), quốc hiệu ["Đường"] chính thức được khôi phục, nhà Võ Chu chấm dứt. Tổng cộng Võ Hoàng chính thức tiếm ngôi 15 năm.

Ngày Đinh Mùi (ÂL) tháng giêng năm ấy, sau khi Trung Tông lên ngôi, Võ Chiếu được dời qua Thượng Dương cung (上陽宮). Sang hôm sau, Trung Tông dẫn đầu bá quan đến Thượng Dương cung để dâng tôn hiệu, là Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng đế (則天大聖皇帝)[87]. Theo như vậy mà nói, dẫu không được đề cập, nhưng Võ Chiếu đã vẫn giữ vị trí Hoàng đế sau khi thiện nhượng, hẳn được xem là Thái thượng hoàng nữ giới duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ngày 26 tháng 11 (tức ngày 16 tháng 12 dương lịch)[88], Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng đế triệu chế lệnh về chuyện xưng hô ra sao, lệnh bỏ đi Đế hiệu, phục lại hai họ Vương, họ Tiêu của Vương Hoàng hậu cùng Tiêu Thục phi, nhân đó cũng cho con cháu của Chử Toại Lương và Hàn Viện về kinh sư phục mệnh. Cũng trong ngày, bà băng hà tại Tiên Cư điện (仙居殿) trong Thượng Dương cung. Theo Cựu Đường thư, Võ Chiếu hưởng thọ 83 tuổi, trong khi Tân Đường thư ghi là 81 tuổi[89]. Do Võ Chiếu đã tự lệnh bỏ đi Đế hiệu, vì vậy thụy hiệu của bà là Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng hậu (則天大聖皇后). Sang tháng 5 (ÂL) năm sau (706), chính thức làm lễ hợp táng với Đường Cao Tông ở Càn lăng[90].

Có thể thấy vào lúc cuối đời, Võ Chiếu mới có được tôn xưng ["Tắc Thiên"]. Người đời sau hay sử dụng 2 chữ này ghép với họ Võ của bà thành tên gọi [Võ Tắc Thiên; 武則天].

Liên quan